4 sai lầm phổ biến khiến nhà đầu tư BĐS “ném tiền qua cửa sổ”
Thứ năm, 10/03/2022 16:38 (GMT+7)
“Rót tiền” vào bất động sản được xem là kênh đầu tư thông minh, sinh lời hấp dẫn; tuy nhiên phải đúng cách, đúng thời điểm nếu không muốn “tiền mất tật mang”. Dưới đây là 4 sai lầm phổ biến mà nhiều nhà đầu tư thường mắc phải khi bỏ vốn vào thị trường đầy hứa hẹn này.
1. Mơ hồ về thị trường
Việc cho rằng người khác kiếm được lợi nhuận thì mình cũng có thể “hái ra tiền” từ bất động sản mà không cần kiến thức là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Dù không có kinh nghiệm nhưng trước khi “rót tiền” vào lĩnh vực này, nhà đầu tư cần phải nắm được các kiến thức cơ bản như: Pháp lý nhà, đất; giá cả, xu hướng thị trường; rủi ro tiềm ẩn... Những kiến thức này có thể giúp nhà đầu tư tự đánh giá sản phẩm bất động sản và đưa ra quyết định đúng đắn hơn, thay vì chỉ nghe theo lời giới thiệu từ chủ đầu tư hay môi giới dự án.
Học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước hoặc nhờ đến sự tư vấn của luật sư (đối với vấn đề pháp lý), môi giới bất động sản (vấn đề về giá cả, thị trường) cũng là một cách để nhà đầu tư nghiệp dư yên tâm hơn về tính an toàn và khả năng sinh lời của giao dịch.
Nhà đầu tư cần nắm được những kiến thức nhất định khi tham gia vào thị trường. Ảnh minh họa: Internet
2. Quá phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính là việc nhà đầu tư thế chấp bất động sản của mình để vay tiền, mua thêm nhà đất khác, và cứ thế lặp lại quá trình này liên tiếp. Về lý thuyết, cách đầu tư này rất hấp dẫn song trên thực tế, việc sử dụng đòn bẩy tài chính chỉ hiệu quả khi nhà đầu tư chọn đúng sản phẩm bất động sản. Nếu rót vốn “nhầm” vào những bất động sản thanh khoản kém, ít giá trị, nhà đầu tư rất dễ bị mắc kẹt, thậm chí vỡ nợ vì tài sản mất giá, khó bán ra nhưng tiền nợ, lãi ngân hàng vẫn phải trả đều.
Để không quá phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính dẫn đến “tiền mất tật mang”, nhà đầu tư nên lưu ý quy tắc 50%, nghĩa là tiền vay không vượt quá 50% giá sản phẩm và tiền trả hàng tháng không vượt quá 50% tổng thu nhập. Ngoài ra, nhà đầu tư cần phải sáng suốt lựa chọn sản phẩm bất động sản tiềm năng, nên nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia, môi giới bất động sản hoặc những người có kinh nghiệm để đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp, hiệu quả nhất.
3. Đầu tư theo đám đông
Không ít nhà đầu tư mỏng vốn, non kinh nghiệm hay thiếu kiến thức thị trường nhưng vẫn liều lĩnh chạy theo đám đông với mong muốn nhanh có lãi. Nhóm đầu tư này thường đổ vốn vào những khu vực có đông người mua bán, với suy nghĩ nếu không có lợi sao người khác lại đổ xô vào thị trường này. Trước những lời quảng cáo như “rót mật vào tai”, thậm chí là luồng thông tin truyền miệng thổi phồng thị trường, “bánh vẽ” về sản phẩm bất động sản, họ đều dễ dàng tin ngay. Cách đưa ra quyết định đầu tư này hoàn toàn dựa trên cảm tính nhất thời thay vì phân tích và đánh giá cụ thể.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư đã phải “ngậm trái đắng” vì chạy theo tâm lý đám đông. Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á cho rằng khi thị trường nóng sốt, có thể xuất hiện cùng lúc nhiều nhà đầu tư chạy theo đám đông. Tuy nhiên, sau đợt tăng nóng và sốt đất, thị trường sẽ dần đào thải những nhà đầu tư cảm tính này. Do vậy, thay vì vội vàng chạy theo đám đông, nhà đầu tư cần tham khảo thông tin một cách sáng suốt bởi không phải dữ liệu nào cũng chính xác và phản ánh đúng tình hình thị trường.
4. Tâm lý “được ăn cả ngã về không”
Dồn hết tiền vào một chỗ là cách đầu tư rất mạo hiểm dễ khiến nhà đầu tư mất tiền oan. Bởi lẽ giao dịch bất động sản thường có giá trị lớn, nếu nhà đầu tư “đặt hết trứng vào một giỏ” với tâm lý “được ăn cả ngã về không”, thì khi gặp biến cố bất ngờ hoặc đúng thời điểm thị trường khó khăn sẽ không kịp xoay sở.
Thay vì dồn hết tiền vào một chỗ, nhà đầu tư nên phân tán ngân sách vào nhiều danh mục đầu tư, đa dạng hóa loại hình/ phân khúc/ khu vực bất động sản để giảm thiểu rủi ro. Trong đó, cần xác định 1 – 2 danh mục chủ đạo, có tiềm năng sinh lời hiệu quả nhất để ưu tiên dòng tiền. Đừng quên lập kế hoạch chi tiết để xác định kỳ vọng lợi nhuận mà dòng sản phẩm mang lại, nguồn tài chính dành cho dòng sản phẩm này cũng như mức độ chịu đựng rủi ro có thể xảy ra để luôn chủ động trong mọi tình huống.
Nguồn: Batdongsan.com.vn